Hà Nội đang ở đỉnh dịch khi có hàng nghìn ca mắc mới trong một ngày. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục cho học sinh học trực tuyến, Bộ GD&ĐT vẫn nhất quán với quan điểm sớm đưa học sinh quay trở lại trường.
Sau kỳ nghỉ tết, một vài địa huyện của Hà Nội đã cho học sinh quay trở lại trường học. Tuy nhiên, số học sinh và giáo viên mắc Covid-19 ngày càng tăng khiến việc học của các em chuyển đổi liên tục từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.
Hàng chục ngàn giáo viên, học sinh trở thành F0
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay, toàn ngành giáo dục ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, GV, giảng viên, học sinh (HS), sinh viên (SV) nhiễm Covid-19. Trong đó, cán bộ, GV là 27.677 người; trẻ em, HS, SV là 135.244.
Riêng tại Hà Nội, chỉ sau 3 tuần đi học trở lại, số học sinh đến trường học trực tiếp giảm sâu ở cả 3 khối học. Rất nhiều trường học đã phải chuyển sang học trực tuyến do số ca F0 tăng vọt. Một số trường tiểu học khi vừa mở cửa đón học sinh đã vội vàng đóng cửa vì số học sinh mắc Covid tăng cao. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như trang thiết bị phòng chống dịch nhưng dường như các trường học vẫn chưa thể đối mặt với việc để các con đến trường bình thường khi tình hình dịch bệnh nguy hiểm như thế này.
Mặc dù các trường Tiểu học trong nội thành Hà Nội đã thay đổi kế hoạch cho học sinh học trực tuyến từ ngày 28/2 thay vì trực tiếp như thông báo trước đây. Nhiều phụ huynh cho rằng việc học trực tuyến nên tiếp tục kéo dài vì chưa thực sự an tâm khi cho con đến trường trong giai đoạn này.
Về vấn đề số ca nhiễm F0 tăng cao tại nhiều trường khiến phụ huynh, học sinh lo lắng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, tinh thần chung vẫn phải cho học sinh đi học trở lại. Mọi công tác chuẩn bị, phương án xử lý khi xuất hiện F0 trong trường học đều đã được tập huấn cho các cơ sở giáo dục.
Sở mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương.
Sau đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh để các trường, lớp chủ động hình thức giảng dạy cho học sinh phù hợp. Với những lớp xuất hiện nhiều F0, F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến; với những trường lớp an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh đến trường. Cần tích cực tận dụng thời gian vàng học trực tiếp; không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học.
Đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác
Tại buổi báo cáo, giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19 diễn ra vào ngày 25.2, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra một số khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Đó là việc nhiều trường phải dạy online - offline hỗn hợp dẫn tới căng thẳng, vất vả cho giáo viên; trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh...
Theo ông Mẫn - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, thời gian kết thúc năm học 2021 - 2022 còn 3 tháng. Không chỉ vấn đề an toàn khi mở trường, nhiều vấn đề khác phụ huynh, HS cũng quan tâm như: thi cử, đánh giá năng lực phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng môi trường lành mạnh; kiểm định giáo dục; an toàn cho HS trong môi trường mạng…
Mặc dù đã có vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi nhưng hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc tiêm vắc xin cho toàn bộ học sinh trên cả nước. Nhưng Bộ GD&ĐT sẽ sớm có kế hoạch đưa các con quay trở lại trường học trong thời gian sớm nhất.